Nhật Bản là một đất nước xinh đẹp và hiện đại, thu hút hàng triệu người tới du lịch và học tập mỗi năm. Tuy nhiên, khi đặt chân đến đất nước mặt trời mọc, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ trước những khác biệt về văn hóa so với Việt Nam. Hãy cùng TODAIedu tìm hiểu một số cú sốc văn hóa phổ biến khi tới Nhật Bản nhé!!

Mục lục [ Ẩn ]

Sốc văn hóa là một hiện tượng mà phần lớn du học sinh phải trải qua khi rời quê hương của mình để đến học tập, sinh sống tại một đất nước xa lạ như Nhật Bản.

1. Đi bên trái đường

Tại Việt Nam và hầu hết các nước châu Á, chúng ta đã quen với việc đi xe bên phải đường. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, người dân lại đi xe bên phần đường bên trái, và quy tắc này không chỉ áp dụng trên đường mà cả khi lên xuống cầu thang người đi bộ cũng thường phải đi bên tay trái. Điều này có thể gây ra sự bất tiện cho những người Việt Nam đi du lịch hoặc làm việc tại Nhật Bản.

Những cú sốc văn hóa khi tới Nhật Bản
Phương tiện giao thông tại Nhật di chuyển ở làn đường bên trái

2. Đứng một bên khi đi thang cuốn

Tại Việt Nam, chúng ta thường đứng san sát nhau khi đi thang cuốn. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, người dân lại có thói quen đứng sang một bên và để trống lối đi bên cạnh cho những người đang vội muốn đi nhanh hơn. Tùy theo từng vùng mà vị trí đứng sẽ khác nhau, tại khu vực Kanto (Tokyo, Saitama,..) thì người dân sẽ chừa lại lối đi bên phải, trong khi ở khu vực Kansai (Kyoto, Osaka,...) thì ngược lại người dân sẽ để trống lối đi bên tay trái. Điều này thể hiện người Nhật rất biết suy nghĩ cho người khác phải không nào. 

Những cú sốc văn hóa khi tới Nhật Bản
Phép lịch sự khi đi thang cuốn: Đứng một bên sẽ giúp mọi người di chuyển nhanh hơn

3. Xe đạp phải đăng ký biển số

Tại Việt Nam, xe máy là phương tiện giao thông cá nhân được sử dụng nhiều nhất; còn ở Nhật Bản, người dân lại rất chuộng đạp xe. Nhật Bản hiện đang có khoảng 70 triệu chiếc xe đạp được sử dụng làm phương tiện giao thông, và theo quy định của nhà nước tất cả xe đạp đều phải được đăng ký biển số chính chủ để dễ dàng xác minh danh tính và ngăn ngừa tình trạng trộm cắp xảy ra. Quy định này ra đời một phần vì có tới gần 30% số vụ tai nạn giao thông tại Nhật Bản liên quan tới xe đạp.

Những cú sốc văn hóa khi tới Nhật Bản
Xe đạp ở Nhật Bản phải được đăng ký biển số chính chủ

4. Luôn giữ trật tự

Trái ngược với sự ồn ào và đôi khi có chút xô bồ tại những thành phố lớn và địa điểm công cộng tại Việt Nam, đến với Nhật Bản, ta đều có thể cảm nhận được bầu không khí tĩnh lặng và “quy củ” ngay tại những nơi đông người nhất. Đó là bởi người Nhật từ nhỏ lại được dạy dỗ và luôn giữ cho mình thói quen giữ trật tự mọi lúc mọi nơi, từ nơi công cộng tới nơi làm việc và điều này đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt của đất nước mặt trời mọc. Điển hình là khi đi trên tàu xe, để giữ trật tự và không làm phiền tới những người xung quanh, người Nhật hầu như không nói chuyện và thậm chí từ chối nhận điện thoại. Tương tự như vậy, bạn cũng sẽ hiếm nghe thấy tiếng còi xe trên đường phố, và kể cả những địa điểm có đông người tụ tập hay xếp hàng cũng sẽ vô cùng trật tự và nền nếp. Đây là một nét văn hóa vô cùng đáng học hỏi thể hiện sự kỷ luật của người Nhật.

Những cú sốc văn hóa khi tới Nhật Bản
Người Nhật Bản đề cao tính kỷ luật, trật tự trên các phương tiện giao thông công cộng

Trên đây là một số cú sốc văn hóa mà bạn có thể gặp phải khi đặt chân đến đất nước mặt trời mọc. Việc bị sốc văn hóa khi mới bước sang môi trường mới là điều hoàn toàn bình thường, vì vậy, bạn hãy luôn giữ cho bản thân sự bình tĩnh, tự tin và lạc quan để vượt qua khó khăn nhé.