Kinue Hitomi (人見絹枝) là người phụ nữ đầu tiên đại diện cho Nhật Bản tham dự Thế vận hội Olympic. Cô cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên của Nhật Bản dành được huy chương Olympic, với thành tích giành 1 huy chương bạc cho nội dung chạy 800m. 

Mục lục [ Ẩn ]

 

Trong suốt cuộc đời mình, Kinue Hitomi - người phụ nữ đến từ tỉnh Okayama đã xuất sắc giành được nhiều kỷ lục thế giới, nhưng trên thực tế, tầm ảnh hưởng của cô đối với những thế hệ sau này còn vượt xa những thành tích mà cô đã đạt được trên đường đua.

 

1. Kinue Hitomi là ai?

Kinue Hitomi sinh ngày 1/1/1907 tại tỉnh Okayama, Nhật Bản. Lớn lên trong một gia đình tá điền khá giả, cô được cha mẹ tạo điều kiện cho học tại Trường trung học nữ sinh Okayama, một trong những trường học tốt nhất trong vùng. 

 

Vào thời điểm đó, phụ nữ ở Nhật Bản bắt đầu tham gia các hoạt động thể thao nhiều hơn. Nữ vận động viên Isoko Asabuki lúc này cũng đang tạo nên một cơn sốt trong làng quần vợt. Đó cũng là môn thể thao đầu tiên mà Hitomi muốn tham gia, cô nhanh chóng được chọn vào đội của trường. Tuy nhiên, điền kinh mới là môn thể thao để lại nhiều dấu ấn nhất trong sự nghiệp và cuộc đời của Kinue Hitomi.

 

Kinue Hitomi - Nữ vận động viên Olympic đầu tiên của Nhật Bản

 

2. Chinh phục đam mê không ngừng nghỉ

Năm 16 tuổi, vào tháng 11/1923, tại Đại hội thể thao nữ tỉnh Okayama lần 2, Kinue Hitomi lần đầu tiên xuất hiện tham gia thi đấu và lập kỷ lục quốc gia không chính thức ở môn nhảy xa với thành tích 4m67.

 

Một năm sau, tại Đại hội thể thao nữ tỉnh Okayama lần 3, cô tiếp tục phá vỡ kỷ lục thế giới không chính thức ở bộ môn nhảy xa ba bước với thành tích 10m33. Cùng năm này, Kinue tiếp tục ghi 2 kỷ lục thế giới tại Đại hội thể thao Đền Meiji năm 1924: hạng mục nhảy xa ba bước với thành tích 11m35 và phóng lao với thành tích 26m37.

 

Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho thể thao, từ tháng 4/1924, Kinue theo học tại Cao đẳng giáo dục thể chất nữ tại Setagaya, Tokyo. Tháng 10/1925, tại Đại hội thể thao Osaka lần 4, cô không chỉ giành vị trí cao nhất ở cự ly chạy 50m, mà còn phá kỷ lục của bản thân ở môn nhảy xa ba bước với thành tích 11m62. Tên tuổi của Kinue tiếp tục vang danh khi đứng đầu 2 hạng mục này Đại hội thể thao đền Meiji năm 1925 ở Tokyo.

 

Sau khi vào làm việc tại tòa soạn Osaka Mainichi Shimbun vào tháng 4/1926, Kinue Hitomi vẫn tiếp tục với niềm đam mê thể thao của mình. Cô được chọn để tham gia Thế vận hội dành cho phụ nữ ở Gothenburg, Thụy Điển. Đây là giải đấu được tổ chức từ năm 1921 sau khi IOC từ chối cho phép phụ nữ tham gia thi đấu các môn điền kinh tại Thế vận hội. Là đại diện duy nhất của Nhật Bản tại Thụy Điển, cô đã giành được 4 huy chương, trong đó có 2 huy chương vàng ở môn nhảy xa với thành tích 5m50 và nhảy xa đứng với thành tích 2m49; 1 huy chương bạc ở môn ném đĩa với thành tích 32m61 và 1 huy chương đồng chạy cự ly 100m với thành tích 12 giây.

 

Kinue Hitomi giành được nhiều huy chương và phá nhiều kỷ lục trong suốt sự nghiệp của mình

 

3. Tỏa sáng tại Thế vận hội Olympic 1928

Thế vận hội Olympic năm 1928 tại Hà Lan là Thế vận hội đầu tiên cho phép các hạng mục điền kinh dành cho nữ. Có 5 nội dung thi đấu điền kinh bao gồm chạy 100m, chạy 800m, chạy tiếp sức 4x100m, nhảy cao và ném đĩa. 

 

Mặc dù mới phá kỷ lục thế giới chạy 100m trong cuộc thi vòng loại chỉ hơn 2 tháng trước, cô đã bị loại trước sự ngỡ ngàng của công chúng. Gạt nỗi thất vọng sang một bên, Kinue Hitomi liều lĩnh quyết định tham gia nội dung chạy 800m mà cô chưa từng thi đấu trước đó. Bằng tài năng và sự nỗ lực, cô gái nhanh chóng vượt qua vòng loại và góp mặt vào trận chung kết diễn ra vào ngày 02/08/1923.

 

Đó là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử thể thao Nhật Bản. Nam vận động viên Mikio Oda đã mang về huy chương vàng Olympic đầu tiên cho quốc gia sau một bước nhảy xa 15,02 mét ở nội dung nhảy ba bước. Cùng thời điểm đó, Kinue Hitomi trở thành nữ vận động viên giành huy chương Olympic đầu tiên của Nhật Bản khi cô về nhì ở nội dung 800m. Thành tích của cô chỉ kém 1 giây so với người chiến thắng là Lina Radke.

 

Tuy nhiên, chiến thắng của Kinue cùng với với các nữ vận động viên đã làm dấy lên những bình luận tiêu cực, sự phân biệt đối xử cũng như xem thường phụ nữ đến từ cánh truyền thông mà bấy giờ vẫn đang được thống trị bởi nam giới.

 

Knute Rockne đã viết trên Pittsburgh Press: “Đó không phải là một cảnh tượng gì hấp dẫn cho lắm khi mà một nhóm các các cô gái xinh đẹp lại tự mình chạy đến kiệt sức”. Nhiều tờ báo khác chỉ tập trung vào việc các nữ vận động viên trông kiệt quệ như thế nào khi kết thúc trận đấu với hình ảnh nhiều người gục xuống đất. Trong mắt báo giới, họ đơn giản là quá yếu ớt trước quãng đường dài như vậy. Chỉ vài ngày sau cuộc đua, IAAF đã bỏ phiếu loại nội dung 800m dành cho nữ ra khỏi Thế vận hội. Suốt một thời gian dài sau đó, nội dung chạy 800m dành cho nữ đã không còn xuất hiện trong Thế vận hội cho đến tận năm 1960.

 

Nhiều lời bình luận khiếm nhã của giới báo chí dành cho Kinue Hitomi và các nữ vận động viên điền kinh khác

 

4. Kiên cường đấu tranh với nạn phân biệt giới tính

Trở về Nhật Bản sau Thế vận hội Amsterdam, Kinue Hitomi được báo chí quốc gia ca ngợi vì chiến tích lịch sử của cô tại Hà Lan. Thật không may, cô cũng phải đối mặt với những câu hỏi phân biệt giới tính và không phù hợp từ các phóng viên. Một phóng viên từng hỏi cô cân nặng bao nhiêu, khi cô trả lời: "Khoảng 53 đến 54 kí", phóng viên ấy đã nhận xét: “Vậy là cô có cân nặng tương đương với hầu hết đàn ông”, phóng viên đó tiếp tục: “Mọi người nói rằng họ nghi ngờ cô có thực sự là phụ nữ? Điều tôi nói có thể hơi thô lỗ nhưng hình dáng ngực và hông của cô thực sự không giống phụ nữ Nhật Bản bình thường, có vẻ như cô giống phụ nữ phương Tây hơn." Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là: "Có phải hoạt động thể chất ở cường độ quá cao có thể gây ra các bất thường về phụ khoa ở nữ giới không?"

 

Bất chấp những lời nói chê bai và khiếm nhã, Kinue Hitomi đã cố gắng hết sức để giữ vững ý chí kiên cường và tinh thần lạc quan. Trên đường đua, cô tiếp tục thi đấu xuất sắc và giành thêm 4 huy chương tại Thế vận hội dành cho nữ năm 1930 tổ chức tại Praha, Tiệp Khắc. 

 

Kinue Hitomi đã tham gia giải đấu quốc tế này cùng với 5 vận động viên trẻ tuổi khác của Nhật Bản. Tuy nhiên, Chính phủ đã không hỗ trợ tài chính nên nhóm vận động viên trẻ đã phải tự gây quỹ. Kinue quyết định kêu gọi sự quyên góp và ủng hộ từ tất cả các trường nữ sinh tại Nhật và đã thành công khi nói rằng xem đội tuyển này chính là đại diện cho sự quyết tâm, lòng kiêu hãnh của phụ nữ.

 

Kinue Hitomi kiên cường và lạc quan đấu tranh với phân biệt giới tính

 

5. Tầm ảnh hưởng của Kinue Hitomi tới những thế hệ sau này

Với quyết tâm thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong môn thể thao điền kinh, Kinue Hitomi đã thành lập liên đoàn phụ nữ và duy trì tham gia đến khi qua đời vào năm 1931. Thời gian sau đó, lịch trình cực kỳ khắc nghiệt đã làm sức khoẻ của cô bị ảnh hưởng và tổn hại không nhỏ. Vào tháng 3 năm 1931, cô đã phải lấy một cái tên khác để nhập viện ở Osaka vì muốn tránh sự truy đuổi của phóng viên và dư luận. Cô qua đời chỉ hơn bốn tháng sau đó vì căn bệnh viêm phổi, vào ngày 2 tháng 8, ở tuổi 24, khi đang đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp.

 

Tác động của Kinue Hitomi đối với thể thao của phụ nữ ở Nhật Bản là vô cùng to lớn. Cô đã trở thành hình mẫu cho phụ nữ Nhật Bản mạnh dạn theo đuổi ước mơ trở thành vận động viên, nhất là đủ quyết tâm tham gia các đấu trường thể thao quốc tế như Olympic. Tại Thế vận hội năm 1932 diễn ra ở Los Angeles, 16 trong số 131 vận động viên tham gia của Nhật Bản là phụ nữ. Vận động viên bơi lội Hideko Maehata suýt chút nữa giành huy chương vàng ở nội dung 200m bơi ếch. Bốn năm sau tại Berlin, cô trở thành nhà vô địch Olympic nữ đầu tiên của Nhật Bản. Điều đó có thể sẽ không thành hiện thực nếu không có sự mở đường tiên phong của vận động viên điền kinh Kinue Hitomi.

 

Ngày nay, sự có mặt của vận động viên nữ trong đội tuyển Olympic của Nhật Bản cũng quan trọng không kém những vận động viên nam, tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số ánh mắt khác thường hướng về phía họ. Kinue Hitomi, nữ vận động viên Olympic đầu tiên của Nhật Bản chính là người tiên phong, người tạo động lực để phụ nữ Nhật Bản tiếp tục đấu tranh cho quyền bình đẳng giới.

 

Bức tượng tưởng niệm Kinue Hitomi tại quê nhà Okayama

 

 

Nguồn: tokyoweekender

Dịch bởi: TODAIedu