Trong bài viết lần trước, chúng ta đã đi qua và tìm hiểu về 4 trò chơi Nhật Bản vô cùng thú vị. Có thể giúp các con vui chơi ngay tại nhà mà không cần phải ra ngoài. Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục với phần 2 của chủ đề này với danh sách 4 trò chơi Nhật Bản mới. TODAIedu chắc rằng phần 2 này sẽ không kém phần thú vị so với phần 1 đâu nhé.

Mục lục [ Ẩn ]

Nếu bạn chưa đọc phần 1 của bài viết 8 trò chơi Nhật Bản để chơi ở nhà mùa COVID-19. Các bạn có thể đọc: Tại đây.

8 trò chơi Nhật Bản để chơi ở nhà mùa COVID-19 (phần 2)
8 trò chơi Nhật Bản để chơi ở nhà mùa COVID-19 (phần 2)

Mở đầu cho danh sách trò chơi Nhật Bản phần 2, chúng ta sẽ đến với một trò chơi siêu hay ho và rất quen thuộc đối với nền văn hóa Nhật Bản. Đó là:

5. Trò chơi Nhật Bản - Kendama

Kendama (けん玉 - けんだま) là một trò chơi Nhật Bản truyền thống được yêu thích bởi mọi lứa tuổi ở quốc gia này. Kể từ những năm 1980, trò chơi đã được công nhận và trở thành môn thể thao chuyên nghiệp được tổ chức thi đấu. Dụng cụ để chơi Kendama làm bằng gỗ có hình dáng giống như chiếc búa. Với 3 chiếc cốc và phần đỉnh nhọn để hứng quả cầu được nối với chiếc búa bằng dây.

Cách chơi

Cách chơi Kendama rất đơn giản. Chúng ta sẽ tung quả bóng lên và thử hứng nó bằng 1 trong 3 chiếc cốc hoặc phần đỉnh đầu búa.

Nhìn qua thì Kendama có vẻ là một trò chơi vận động nhẹ nhàng đơn giản. Tuy nhiên, để có thể làm chủ quả cầu và biểu diễn thuần thục đòi hỏi quá trình rèn luyện nhất định. Vì nó đòi hỏi chúng ta phải sử dụng linh hoạt toàn bộ cơ thể. Vậy nên, Kendama rất thích hợp làm một trò chơi để rèn luyện tính kiên nhẫn và sự khéo léo cùng phản xạ cho cơ thể.

Kendama là một trò chơi Nhật Bản thú vị phù hợp với mọi lứa tuổi
Kendama là một trò chơi Nhật Bản thú vị phù hợp với mọi lứa tuổi

Sự thật thú vị

Ngoài dụng cụ Kendama truyền thống, người Nhật cũng đã sáng tạo ra nhiều “biến thể” khác nhau cho trò chơi này như Kendama hình gậy bóng chày. Nếu không thể tìm mua được dụng cụ chuyên nghiệp. Cha mẹ có thể tự “chế” ra một phiên bản trò chơi Kendama tại nhà cho con.

6. Trò chơi Nhật Bản - Wanage (Ring Toss)

Wanage (輪投げ) có nghĩa là ném vòng. Đây là một trò chơi Nhật Bản phổ biến trong các dịp lễ hội. Bạn nhận được những chiếc vòng và nhiệm vụ của bạn là phải ném chúng vào những ô phần thưởng. Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng việc này đòi bạn phải có kỹ năng định hướng khá tốt và một chút may mắn. Thông thường bạn sẽ có 3 đến 5 cơ hội cho mỗi lượt chơi.

Cách chơi

Cha mẹ có thể dễ dàng đặt mua trò chơi này trên mạng về để chơi cùng các con. Hoặc tự làm một phiên bản đơn giản cho trò chơi này. Hãy kiếm một tờ giấy hoặc thùng carton khổ lớn. Chia khổ giấy thành các ô 3 x 3 hoặc 4 x 4 tùy thích và viết các điểm số từ 1 - 9 hoặc 1 - 16 vào mỗi ô để làm đích ném vòng. Vẽ một vạch đứng cách đích ném một khoảng nhất định.

Cha mẹ hướng dẫn cách chơi cho các con. Mỗi người có khoảng 3 - 5 chiếc vòng. Có thể ném vòng theo lượt hoặc mọi người sẽ ném cùng lúc (lúc này cần có các vòng màu khác nhau). Mọi người đứng sau vạch đứng và cố gắng ném vòng vào các ô điểm càng cao càng tốt.

Các vòng ném vào ô nào sẽ được tính điểm tương ứng. Vòng ném ngoài ô sẽ không được tính. Mọi người sẽ cố gắng ném trúng càng nhiều ô nhiều điểm càng tốt.

Trò chơi kết thúc sau khi mọi người đã ném hết vòng và người có tổng điểm cao nhất sẽ là người chiến thắng.

Để ném chiếc vòng trúng đích cần khá nhiều sự khéo léo và chuẩn xác đó nha
Để ném chiếc vòng trúng đích cần khá nhiều sự khéo léo và chuẩn xác đó nha

Làm sao để chơi vui hơn?

Để tăng tính chiến thuật và kịch tính cho trò chơi. Ngoài các ô điểm thường, cha mẹ có thể tạo một số ô điểm bonus có số điểm cực lớn (có thể là 50 hay 100 điểm). Các ô điểm này được làm nhỏ và ở vị trí khó ném hơn. Lúc này mọi người sẽ phải tính toán giữa số vòng mình có và chiến thuật phù hợp để có thể chiến thắng. 

Wanage không đòi hỏi không gian lớn và dụng cụ phức tạp mà vẫn đảm bảo tính giải trí cao. Trò chơi giúp con rèn luyện khả năng phân tích, sự khéo léo và cũng cần một chút may mắn. Cha mẹ có thể thoải mái sáng tạo những cách chơi và luật chơi khác nhau khi chơi cùng con để trò chơi thêm thú vị.

7. Trò chơi Nhật Bản - Daruma Otoshi

Lại là một trò chơi Nhật Bản liên quan đến chú Daruma. Trò chơi (だるま落とし) là một phiên bản khác của trò chơi rút gỗ nổi tiếng. Về cơ bản thì cách chơi của Daruma Otoshi không khác nhiều so với trò chơi Jenga (rút gỗ) truyền thống. Người chơi sẽ xếp các miếng gỗ thành chồng cao rồi rút từng mảnh sao cho chồng gỗ không bị đổ.

Ối, Daruma sắp đổ rồi kìa !
Ối, Daruma sắp đổ rồi kìa !

Cách chơi

Daruma Otoshi bao gồm các mảnh gỗ nhiều màu sắc được xếp chồng lên nhau. Phần đỉnh của chồng gỗ là một miếng gỗ đặc biệt in hình búp bê Daruma. Người chơi sẽ rút các miếng gỗ dưới phần đỉnh mà không làm đổ búp bê Daruma trên đỉnh. Tuy nhiên, thay vì dùng tay rút như trò chơi rút gỗ bình thường. Người chơi phải sử dụng một chiếc búa gỗ nhỏ để đẩy các mảnh gỗ ra. Điều này được cho là khó hơn so với cách chơi thông thường. Vì vậy, đây cũng là một trò chơi thích hợp để rèn luyện sự tập trung và khéo léo.

8. Học tiếng Nhật với Flashcard

Flashcard không hẳn là một trò chơi. Chính xác hơn nó là những chiếc thẻ thông tin thường được dùng khi học từ vựng. Tuy nhiên, cha mẹ hoàn toàn có thể biến tấu những tấm thẻ flashcard sinh động thành trò chơi thú vị để các con vừa chơi mà vẫn học từ vựng hiệu quả, đặc biệt là với việc học từ vựng tiếng Nhật.

Với một chút biến tấu, những tấm flashcard sẽ trở thành trò chơi thú vị cho con vừa chơi vừa học
Với một chút biến tấu, những tấm flashcard sẽ trở thành trò chơi thú vị cho con vừa chơi vừa học

Có nhiều cách để tổ chức trò chơi với flashcard cho trẻ. Sau đây, TODAIedu sẽ gợi ý cho bạn một vài cách nhé.

8.1. Tap the flashcards (trò chơi đập thẻ) (chơi từ 3 người) 

Cách chơi

Một người sẽ đóng vai trò là quản trò và xếp các thẻ flashcard ra. Những người còn lại sẽ đứng xung quanh. Quản trò sẽ đọc to tên một thẻ flashcard. Nhiệm vụ của người chơi là phải tìm thật nhanh ra thẻ flashcard đó. Ai tìm ra và đập vào thẻ flashcard đó nhanh nhất sẽ thắng được thẻ đó. Kết thúc trò chơi, người nào có thắng được nhiều thẻ nhất sẽ là người chiến thắng.

8.2. Bingo (chơi từ 2 người)

Cách chơi

Nếu không có nhiều hơn 2 người chơi để chơi Tap the flashcards thì cha mẹ có thể chơi Bingo cùng con.

Cha (hoặc mẹ) sẽ xếp các thẻ flashcard ra. Sau đó đọc to tên của một tấm thẻ. Nhiệm vụ của con là phải nghe và tìm ra tấm thẻ đó trong khoảng thời gian quy định (có thể là 30s). Nếu tìm được tấm thẻ, con phải nhanh chóng đập tay vào tấm thẻ và hô to “Bingo”. Cha mẹ có thể tăng dần độ khó trò chơi bằng cách giảm thời gian tìm kiếm mỗi lượt chơi xuống 20s, 15s, 10s.

8.3. Trò chơi thám tử (chơi từ 2 người)

Cách chơi

Trong trò chơi này, trẻ sẽ trở thành một điệp viên chuyên nghiệp. Điệp viên của chúng ta có nhiệm vụ phải đi tìm những tấm thẻ flashcard được giấu trong nhà. Cha mẹ sẽ giấu những thẻ flashcard bên những vật dụng liên quan và cho con các gợi ý để đi tìm. Trẻ có nhiệm vụ là phải lắng nghe và suy luận ra vị trí các thẻ flashcard từ gợi ý. Sau mỗi lần tìm được một thẻ, trẻ sẽ đọc to từ được viết trên tấm thẻ.

Trò chơi này giúp trẻ ghi nhớ từ vựng rất nhanh. Việc đưa ra các gợi ý cũng giúp nâng cao khả năng tư duy logic cho trẻ.

Lời kết

Trên đây là 8 gợi ý về những trò chơi Nhật Bản mà cha mẹ có thể chơi ở nhà cùng các con trong mùa dịch COVID-19 này. Hi vọng với trò chơi Nhật Bản này sẽ giúp các con có những khoảng thời gian vui chơi lành mạnh khi ở nhà. Cùng TODAIedu hưởng ứng khuyến cáo “5K” của Bộ Y Tế và tuân thủ chỉ thị ở nhà chống dịch của Chính phủ. Việt Nam quyết tâm chiến thắng đại dịch.